Chào mừng ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam 22/12
Truyện An Dương Vương & Mị Châu, Trọng Thủy
– Thảo luận từ góc độ giáo dục tinh thần cảnh giác cho thế hệ trẻ.
Truyện An Dương Vương & Mị Châu, Trọng Thủy là truyền thuyết được đưa vào giảng dạy trong chương trình Ngữ văn lớp 10. Câu chuyện đã để lại cho chúng ta rất nhiều bài học quý báu. Nhân kỉ niệm ngày 22/12 – ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam, chúng ta cùng thảo luận về tác phẩm từ góc độ “bài học giáo dục tinh thần cảnh giác cho thế hệ trẻ.
Theo truyền thuyết An Dương Vương & Mị Châu, Trọng Thủy, An Dương Vương là vua của nước Âu Lạc. Ông đã có công lao lớn khi xây thành công thành trì & chế được nỏ trăm phát trăm trúng để bảo vệ đất nước trước giặc ngoại xâm. Tuy nhiên, sau khi chiến thắng quân địch, An Dương Vương dần chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Ông đã cho giặc vào nhà khi chấp nhận cho con trai của giặc lấy con gái mình và đến ở rể. Khi Trọng Thủy ở rể tại Âu Lạc, An Dương Vương đã gần như không hề có chút phòng bị nào, đã để Trọng Thủy tiếp cận được với quân cơ. Kết quả cuối cùng là đất nước một lần nữa lâm nguy rồi rơi vào tay giặc. Đó là bài học xương máu cho con cháu mai sau về tinh thần cảnh giác. Qua bài học Truyện An Dương Vương & Mị Châu, Trọng Thủy, chúng ta cần giáo dục tinh thần cảnh giác cho thế hệ trẻ như thế nào và cảnh giác trước những điều gì?
Đất nước chúng ta, trải qua những năm dài đấu tranh giải phóng dân tộc, hiện nay chúng ta đang được sống trong cảnh thái bình, nhưng thế hệ trẻ Việt Nam không bao giờ được quên bài học cảnh giác, không bao giờ được ngủ quên trên chiến thắng của cha ông, càng không được chủ quan, lơ là. Thời đại công nghệ 4.0, 5.0 những thế lực thù địch không chỉ âm mưu tấn công chúng ta bằng việc xâm lược lãnh thổ mà còn cả bằng “xâm lăng văn hóa”. Những cuộc đổ bộ “xâm lăng văn hóa” mới thực sự nguy hiểm, bởi nó mang theo âm mưu làm nhụt ý chí và tinh thần của lớp trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước ta, khiến lớp trẻ chìm đắm trong hưởng thụ, chìm đắm trong những ảo vọng và ám ảnh bởi bạo lực; khiến lớp trẻ lệch lạc trong suy nghĩ và hành động. Khi những chủ nhân tương lai đó không còn là những người mưu trí, sáng suốt, chỉ còn là những con người ham hư vinh, sống bản năng, hưởng thụ, tình nguyện trở thành nô lệ của tiền bạc, nô lệ của công nghệ… sẽ chẳng cần đao kiếm, đất nước tự khắc trở thành nô lệ, phụ thuộc. Chính vì vậy, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, giới trẻ cần được giáo dục tính cảnh giác, sự tỉnh táo trước những cuộc đổ bộ “xâm lăng văn hóa” của kẻ thù. Dạy và học bài Truyện An Dương Vương & Mị Châu, Trọng Thủy là cơ hội để chúng ta giáo dục tinh thần cảnh giác cho học sinh – thế hệ trẻ tương lai của nước nhà.
Bài học cảnh giác đầu tiên mà chúng ta cần giáo dục cho thế hệ trẻ trong thời đại công nghệ 4.0, 5.0 hiện nay đó là cảnh giác khi tiếp nhận thông tin từ mạng xã hội. Học sinh cần cảnh giác để không bị cuốn vào bình luận, chia sẻ những thông tin sai sự thật, những thông tin chưa được kiểm chứng, gây hại đến lợi ích và cuộc sống của người khác. Học sinh cần phải tự trang bị cho mình niềm tin, kiến thức, bản lĩnh vững vàng để có thể sàng lọc và thu nhận những thông tin hữu ích, những giá trị văn hóa lành mạnh, có ích, phục vụ cho cuộc sống, giúp bản thân không ngừng phát triển và hoàn thiện, trở thành những công dân tốt trong tương lai; không để những “viên đạn bọc đường” làm mờ tai, mờ mắt mà quay lưng chống đối quê hương mình, đồng bào mình, dân tộc mình.
Học sinh cần được giáo dục để cảnh giác với những thứ văn hóa độc hại, những thứ văn hóa dẫn đến sự suy thoái về đạo đức, lối sống. Để làm được điều đó, các em cần kiểm soát được hành vi của bản thân, tránh xa những trang web độc hại; không mê đắm vào các trò game bạo lực, khiến bản thân mất kiểm soát, mất lí trí; không học theo một số thành phần tự đánh bóng tên tuổi để trở nên nổi tiếng bằng những scandal, những trò lố lăng trên mạng xã hội. Đặc biệt học sinh cần được giáo dục để cảnh giác trước những hội nhóm không lành mạnh, để không a dua, không cuốn theo những trò lố lăng làm tha hóa đạo đức, lối sống.
Trong thời đại công nghệ 5.0, sự hấp dẫn của công nghệ là điều không dễ từ chối. Nhưng học sinh cần được giáo dục để nhận thức rõ bên cạnh những lợi ích mà công nghệ mang lại, nó luôn có mặt trái. Nếu thế hệ trẻ không cảnh giác, họ sẽ biến mình thành nô lệ của công nghệ. Điển hình như việc sử dụng công nghệ vào hỗ trợ học tập, nếu học sinh quá dựa dẫm vào sự hỗ trợ của công nghệ, học sinh sẽ mất dần sự linh hoạt trong suy nghĩ, tư duy, lâu dần giới trẻ sẽ mất đi khả năng tự suy nghĩ, tự phán đoán và mất khả năng tự chủ với cuộc đời của mình. Vì vậy, nếu học sinh không cảnh giác trước ma lực của công nghệ, họ sẽ trở thành nô lệ, là những tên tay sai vô hình làm theo những chỉ dẫn của kẻ thù vô hình, núp bóng cái tên công nghệ.
Nhân ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam, chúng ta cần nhắc nhở nhau về bài học cảnh giác để bảo vệ cuộc sông bình an của chính chúng ta và bảo vệ độc lập, tự do mà cha ông đã phải đổ bao xương máu mới giành lại được.