Giảng dạy môn Tin học đáp ứng yêu cầu Giáo dục phổ thông mới ở các trường thực hành của Trường Cao đẳng Hải Dương

Chủ nhật - 02/10/2022 21:43
Giảng dạy môn Tin học đáp ứng yêu cầu Giáo dục phổ thông mới
ở các trường thực hành của Trường Cao đẳng Hải Dương
Tác giả: Th.S  Phạm Thị Loan
 Khoa Điện Cơ Tin – Trường CĐ Hải Dương
1. Mở đầu
             Sau ngoại ngữ, tin học (TH) được xem là môn học công cụ có vai trò quan trọng không nhỏ giúp giới trẻ tiếp cận với nguồn thông tin, kiến thức phong phú, phục vụ cho việc học tập và công việc. Tuy nhiên, hiện nay các trường học đang gặp không ít khó khăn khi thực hiện giảng dạy môn này.
            Hiện tại Tin học đã được Bộ Giáo dục & Đào tạo chính thức đưa vào chương trình phân ban cho khối Trung học học phổ thông (THPT), bắt đầu từ năm học (2006-2007) việc triển khai môn học này sẽ trở thành bắt buộc trên phạm vi toàn quốc. Đồng thời Bộ cũng đã thiết lập khung chương trình môn Tin học là môn học tự chọn cho các cấp Tiểu học và Trung học Cơ sở (THCS).
2. Nội dung
2.1. Vị trí, vai trò của môn Tin học trong chương trình Giáo dục phổ thông mới
          Trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, vị trí, vai trò của môn Tin học có nhiều thay đổi: Từ lớp 3 đến lớp 9 Tin học là môn bắt buộc có phân hóa (trong chương trình hiện hành là môn tự chọn); Ở cấp trung học phổ thông, Tin học là môn học được lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của học sinh (HS), phân hóa theo 2 định hướng “Tin học ứng dụng“ và “Khoa học máy tính” (trong chương trình hiện hành không phân hóa).
Tin học được xác định là môn bắt buộc có phân hóa ở cấp tiểu học và THCS. Ở THPT, Tin học là môn phân hóa theo 2 định hướng Tin học ứng dụng và Khoa học máy tính. Ở chương trình hiện hành môn Tin học không phân hóa nên mọi học sinh phải học những nội dung giống nhau bất kể năng khiếu và sở thích khác nhau.
          Môn Tin học giữ vai trò chủ đạo trong việc chuẩn bị cho học sinh khả năng tìm kiếm, tiếp nhận và mở rộng tri thức cũng như sáng tạo trong thời đại thông tin, hỗ trợ đắc lực trong quá trình học tập và tự học của học sinh. Đồng thời, Tin học cũng tạo cơ sở vững chắc trong việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật số, triển khai phương thức giáo dục mới và hiện đại.
Tin học có sứ mạng là giúp học sinh có được năng lực tin học với những kỹ năng cơ bản như sử dụng và quản lý phương tiện, công cụ và những hệ thống tự động hóa của công nghệ thông tin và truyền thông. Hiểu biết và có cách ứng xử phù hợp với chuẩn mực đạo đức, văn hóa..trong môi trường số hóa cũng như nhận biết và giải quyết những vấn đề trong nền kinh tế tri thức. Đặc biệt giúp học sinh học tập và tự học với sự hỗ trợ của ứng dụng Công nghệ thông tin và truyền thông.
           Tin học trong chương trình giáo dục mới sẽ đặt trọng tâm vào việc đánh giá khả năng vận dụng kiến thức tin học của học sinh trong việc giải quyết vấn đề thực tiễn. Điều này tạo cơ hội phát triển năng lực tự chủ, sáng tạo của học sinh.
           Chương trình khuyến khích áp dụng những giải pháp đánh giá kết quả học tập tin học bằng khảo sát, kiểm tra kiến thức thông qua câu hỏi, bài tập,bài thực hành và sản phẩm của học sinh. Đánh  giá kiến thức, kỹ năng và thái độ ứng dụng công nghệ thông tin của HS.
2.2. Nội dung môn Tin học trong chương trình Giáo dục phổ thông mới
           “Môn Tin học giúp HS thích ứng, hoà nhập được với xã hội hiện đại; hình thành, phát triển cho HS năng lực tin học để học tập, làm việc và nâng cao chất lượng cuộc sống, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Môn học cũng tạo cơ sở ứng dụng ICT để đổi mới tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá, phát triển nhiều phương thức dạy học hiện đại, hiệu quả” - PGS.TS Hồ Sĩ Đàm, chủ biên Chương trình môn Tin học trong Chương trình GDPT mới, cho biết.
          - Ở giai đoạn Giáo dục cơ bản, môn Tin học giúp HS hình thành, phát triển khả năng sử dụng công cụ kĩ thuật số, làm quen, sử dụng Internet; bước đầu hình thành, phát triển tư duy giải quyết vấn đề với sự hỗ trợ của máy tính, hệ thống thông tin; hiểu, tuân theo các nguyên tắc cơ bản trong trao đổi và chia sẻ thông tin.
        - Ở tiểu học, chủ yếu HS học sử dụng các phần mềm đơn giản hỗ trợ học tập,sử dụng thiết bị tin học tuân theo các nguyên tắc giữ gìn sức khoẻ, bước đầu được hình thành tư duy giải quyết vấn đề có sự hỗ trợ của máy tính.
      - Ở THCS, HS học sử dụng, khai thác các phần mềm thông dụng để làm ra sản phẩm số phục vụ học tập, đời sống; thực hành phát hiện, giải quyết vấn đề một cách sáng tạo với sự hỗ trợ của công cụ và các hệ thống tự động hoá của công nghệ kĩ thuật số; học cách tổ chức lưu trữ, quản lí, tra cứu và tìm kiếm dữ liệu số, đánh giá và lựa chọn thông tin.
        - Chương trình môn Tin học ở THPT được phân hóa theo hai định hướng, có thể chọn học một trong hai định hướng đó. Thứ nhất là Tin học ứng dụng nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng máy tính như công cụ không thể thiếu trong các ngành nghề, lĩnh vực. Thứ hai là Khoa học máy tính đáp ứng mục đích bước đầu tìm hiểu nguyên lí hoạt động của hệ thống máy tính, phát triển tư duy máy tính, khả năng tìm tòi, khám phá, kĩ năng phát triển phần mềm, dịch vụ giá trị gia tăng trên hệ thống máy tính nhằm chuẩn bị cho HS bước vào bậc học tiếp theo hoặc ra đời lập nghiệp trong lĩnh vực tin học.
          Bên cạnh nội dung GD cốt lõi, mỗi năm học, HS có thể chọn học một số chuyên đề tùy theo sở thích, nhu cầu, định hướng nghề nghiệp. Chuyên đề học tập môn Tin học cũng được tổ chức theo hai định hướng là Tin học ứng dụng và Khoa học máy tính.
          Định hướng Tin học ứng dụng đáp ứng số đông HS có sở thích cá nhân hoặc có dự kiến theo những ngành nghề khác nhau, kể cả thuộc hay không thuộc lĩnh vực tin học, sử dụng máy tính như công cụ nâng cao chất lượng, hiệu suất làm việc.
          - Môn Tin học đóng vai trò chủ đạo trong hình thành, phát triển năng lực tin học gồm 5 thành phần: Sử dụng và quản lý các phương tiện CNTT và truyền thông; Ứng xử phù hợp trong môi trường số; Giải quyết vấn đề với sự hỗ trợ của CNTT và truyền thông; Ứng dụng CNTT và truyền thông trong học và tự học; Hợp tác trong môi trường số.
           Năm thành phần của năng lực tin học được hình thành, phát triển thông qua các mạch kiến thức, các chủ đề nội dung và các yêu cầu cần đạt tương ứng là:
           Ba mạch kiến thức: Khoa học máy tính (CS); CNTT và truyền thông (ICT) và Học vấn số hóa phổ thông (DL). Mỗi mạch kiến thức chứa ít nhiều những kiến thức thuộc một hoặc cả hai mạch kiến thức còn lại, không thể tách rời. Do đó mỗi nội dung kiến thức cung cấp cho HS có sự hoà lẫn, bện chặt vào nhau của ba mạch kiến thức đó. Tuỳ theo ý nghĩa, vai trò trọng tâm của một nội dung trong hệ thống kiến thức Tin học phổ thông mà xem nó thuộc về mạch kiến thức nào. Một chủ đề nội dung có thể nằm trong cả 2 hoặc 3 mạch kiến thức nói trên. Có những đơn vị kiến thức khó phân định rạch ròi chỉ nằm trong một mạch kiến thức, nhưng có những chủ đề hàm lượng của mạch kiến thức này nhiều hơn mạch kiến thức khác.
           Có 7 chủ đề lớn xuyên suốt từ lớp 3 đến lớp 12, gồm: Máy tính và xã hội tri thức; Mạng máy tính và Internet; Tổ chức, lưu trữ, tìm kiếm và trao đổi thông tin; Đạo đức, pháp luật và văn hóa trong môi trường số hóa; Ứng dụng tin học; Giải quyết vấn đề với sự trợ giúp của máy tính; Hướng nghiệp với tin học. Mỗi chủ đề trực tiếp hình thành, phát triển một hoặc nhiều thành phần năng lực đồng thời góp phần phát triển các thành phần khác.
2.3. Giảng dạy Tin học ở các trường thực hành của Trường Cao đẳng Hải Dương
            Trường cao đẳng Hải Dương tiền thân là Trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương thành lập năm 1960. Từ năm 1960 đến năm 1978 đào tạo Trung cấp và Sư  phạm 10+3. Năm 1978 là một trong 16 trường Sư phạm 10+3 trên toàn quốc được Thủ tướng Chính phủ Quyết định nâng cấp thành trường Cao đẳng Sư phạm.  Năm 2006, trường mở rộng đào tạo đa ngành đáp ứng nhu cầu người học. Năm 2009, được Bộ trưởng Bộ GĐ&ĐT quyết định đổi tên thành Cao đẳng Hải Dương.
            Hơn 60 năm, trường đã đào tạo, bồi dưỡng, cho tỉnh Hải Dương, Hưng Yên và các tỉnh lân cận gần 40.000 giáo viên Mầm non, Tiểu học, THCS, cán bộ quản lý nhà trường và cán bộ các ngành Xã hội, Kinh tế, Kỹ thuật viên các ngành ngoài sư phạm, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho tỉnh và các tỉnh bạn.
         Trường Tiểu học Chu Văn An, trường THCS Chu Văn An, trường THPT Chu Văn An nằm trong hệ thống trường thực hành của trường Cao đẳng Hải Dương, đáp ứng yêu cầu Giáo dục phổ thông mới, môn Tin học được dạy tại các trường thực hành của trường Cao đẳng Hải Dương được xây dựng theo hướng cập nhật định hướng phát triển mới, cùng nhiều nội dung cập nhật tri thức Công nghệ số - yếu tố nền tảng của Cách mạng công nghiệp 4.0.
          Với đặc thù nghiên cứu phương pháp và công cụ xử lý một đối tượng trừu tượng như thông tin, sự phát triển của Khoa học máy tính và Công nghệ số hóa đang làm xáo trộn các hoạt động trong xã hội, đẩy chúng ta vào “thế giới số”. Vai trò của Khoa học máy tính trong Tin học rất quan trọng và có thể nói rằng ba đặc điểm sau là những chân lý về giáo dục Tin học.
         1) Con đường dẫn đến thế giới số được dựa trên sự tiến bộ chung của Khoa học máy tính và công nghệ số hóa.
         2) Khoa học máy tính là một chủ đề giáo dục độc lập, có các hình thức biểu đạt, phương pháp tư duy, và kết quả riêng của nó.
        3) Giáo dục thực hành kỹ thuật số như dạy sử dụng máy tính, phần mềm máy tính và mạng máy tính không có ý nghĩa nhiều lắm trong giáo dục Khoa học máy tính.
        Đến nay, hầu hết các nhà lãnh đạo, quản lý đất nước đều nhận thức rõ ràng rằng bỏ qua tầm quan trọng của Tin học trong dạy học sẽ đánh mất cơ hội phát triển trong lĩnh vực công nghệ số của đất nước chúng ta. Nhận thức đó được phản ánh trong các Nghị quyết của Đảng, chương trình hành động của Chính phủ và được cụ thể hóa thành quyết sách mang tầm chiến lược, đưa Tin học trở thành môn học bắt buộc trong trường phổ thông.
      Giáo dục phổ thông về Tin học trước hết sẽ phải cung cấp cho tất cả công dân chìa khóa cho thế giới tương lai, được số hóa mỗi ngày nhiều hơn, để họ hiểu nó và để tham gia một cách chủ động vào thế giới đó, lựa chọn và sử dụng sản phẩm một cách sáng tạo, thay vì bị động, chấp nhận chỉ làm người tiêu thụ những gì được thiết kế và sản xuất ở nơi khác, theo những cách được chỉ dẫn cụ thể.
           Môn Tin học ở trường Tiểu học Chu Văn An, được đưa vào giảng dạy từ lớp 1 để giúp các em học sinh làm quen, yêu thích và khám phá môn Tin học.
Chương trình môn Tin học được xác định là môn cốt lõi giúp hình thành và phát triển cho học sinh năng lực tin học. Chương trình sẽ không đưa ra ràng buộc về chủng loại thiết bị hay phần mềm, không phân biệt phần mềm nguồn mở hay phần mềm thương mại, nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo vận dụng linh hoạt.
          Ở các trường thực hành của trường Cao đẳng Hải Dương, việc dạy học thông qua các dự án, bài tập giải quyết vấn đề cụ thể, thiết thực, nhằm khuyến khích học sinh vận dụng kiến thức, kỹ năng các môn học áp dụng công nghệ số để hiểu và giải quyết vấn đề thực tế trong môi trường số, sáng tạo ra các sản phẩm của cá nhân, của nhóm.
          Chương trình thông qua một số chủ đề học tập, đặc biệt thông qua hoạt động trải nghiệm sáng tạo làm ra sản phẩm nhằm góp phần hình thành và phát triển phẩm chất năng lực chung và năng lực đặc thù môn Tin học, đồng thời còn góp phần giáo dục hướng nghiệp, giáo dục STEM, giáo dục bình đẳng giới và giáo dục tài chính.
3. Kết luận
        Từ các đặc thù quan trọng đã nêu trên có thể rút ra một vài kết luận về môn Tin học khi đưa vào giảng dạy trong nhà trường.
       (1) Tin học phải là một môn học “đặc biệt” theo nghĩa nó phải được giảng dạy một cách “linh hoạt”, không nên và không được phép áp đặt các tiêu chuẩn đánh giá chặt về phương pháp, tiến độ giảng dạy như các môn học khác trong nhà trường.
        (2) Cần ưu tiên tối đa trang thiết bị cho giáo viên khi giảng dạy môn học này. Việc học chay môn Tin học có thể dẫn đến thảm họa không lường trước.
        (3) Giáo viên dạy môn Tin học cần cập nhật kiến thức thường xuyên và cần được kiểm tra kiến thức thường xuyên. Nhà trường cần tạo điều kiện cho các giáo viên này có điều kiện học tập, nâng cao kiến thức và kinh nghiệm. Ngược lại giáo viên không thể ngồi yên và bằng lòng với kiến thức chỉ ghi trong sách giáo khoa.
         (4) Phuơng pháp giảng dạy, học và đánh giá học sinh cũng cần phải đổi mới và tuân theo các qui chế đặc biệt linh động.
          Giáo dục tin học đóng vai trò chủ đạo trong việc chuẩn bị cho học sinh khả năng tìm kiếm, tiếp nhận, mở rộng tri thứcvà sáng tạo trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư và toàn cầu hoá. Tin học có ảnh hưởng lớn đến cách sống, cách suy nghĩ và hành động của con người, là công cụ hiệu quả hỗ trợ biến việc học thành tự học suốt đời.
          Môn Tin học giúp học sinh thích ứng và hoà nhập được với xã hội hiện đại, hình thành và phát triển cho học sinh năng lực tin học để học tập, làm việc và nâng cao chất lượng cuộc sống, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
          Học Lập trình các ngôn ngữ Python, Scrtach… giúp cho các em học sinh hiểu được cách làm việc của máy tính, cách giao tiếp để ra lệnh cho máy tính làm việc theo sự điều khiển của con người thông qua ngôn ngữ lập trình. Các em có thể tạo ra các chương trình thú vị bằng cách sử dụng các câu lệnh Python, Scratch…. Cũng giống như những môn học khác như toán học, vật lý, hóa học … khi các em đã thực sự hiểu và yêu thích bộ môn tin học các em sẽ tìm thấy nhiều niềm vui, sự đam mê khi tìm hiểu và khám phá những điều mới mẻ nhưng đầy hấp dẫn trong bộ môn tưởng chừng như khô khan này.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Bộ giáo dục và Đào tạo, Chương trình giáo dục phổ thông  môn Tin học (ban hành kèm theo thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018)
[2]. Môn Tin học trong chương trình giáo dục phổ thông mới – Báo Giáo dục Thời đại, ngày 02/01/2019
[3].Website: caodanghaiduong.edu.vn


 

Tác giả bài viết: Phạm Thị Loan

Nguồn tin: Khoa Điện - Cơ - Tin học

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây