Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khoá XI) đã thông qua Nghị quyết số 29/NQ-TW ngày 4 tháng 11 năm 2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28 tháng 11 năm 2014 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Ngày 27 tháng 3 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 404/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT. Mục tiêu đổi mới được Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội quy định: “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hoà đức, trí, thể, mĩ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh.”
Điểm nổi bật nhất của lần đổi mới này là không chỉ có một bộ sách chung mà là nhiều bộ sách giáo khoa cùng thực hiện một chương trình. Theo QĐ số 4507/QĐ-BGDĐT ngày 21/11/2019 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT có 5 bộ SGK lớp 1 được phê duyệt sử dụng trong các cơ sở giáo dục từ năm học 2020 – 2021, đó là các bộ: Cánh Diều,Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục, Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo, Cùng học để phát triển năng lực. Hiện nay các trường tiểu học đều đã lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 để chuẩn bị cho việc tập huấn thay sách và áp dụng vào dạy học trong năm học tới. Mỗi môn học có thể chọn những bộ sách khác nhau và việc lựa chọn có thể không giống nhau giữa các trường tiểu học.
Bộ sách giáo khoa lớp 1 Kết nối tri thức với cuộc sống
Bộ sách giáo khoa lớp 1 Cánh Diều
Để đáp ứng kịp thời với việc đổi mới của chương trình GDPT 2018, các giảng viên của trường Cao đẳng Hải Dương cũng đã biên soạn tài liệu “Hướng dẫn thiết kế kế hoạch dạy học lớp 1 theo chương trình GDPT mới” hỗ trợ các giáo viên dạy lớp 1 và sinh viên khoa Giáo dục Tiểu học trong quá trình tiếp cận sách giáo khoa mới. Bên cạnh đó, các thầy cô trong khoa Giáo dục Tiểu học còn hướng dẫn sinh viên của khoa tìm hiểu về cấu trúc sách giáo khoa, cấu trúc các bài học, phương pháp dạy học, cách thiết kế kế hoạch dạy học các nhóm bài trong từng môn học ở mỗi bộ sách giáo khoa lớp 1 mới.
Sinh viên K41 – Khoa GD Tiểu học – Trường Cao đẳng Hải Dương
tìm hiểu về sách giáo khoa lớp 1 mới
Cả 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình GDPT mới đều kế thừa được những yếu tố tích cực của sách giáo khoa lớp 1 trước đây và vận dụng hợp lí kinh nghiệm quốc tế về phát triển sách giáo khoa hiện đại. Có khá nhiều điểm đổi mới trong các bộ sách này, đặc biệt là đối với môn Tiếng Việt lớp 1. Từ năm học 2016-2017, tỉnh Hải Dương lựa chọn dạy môn Tiếng Việt lớp 1 theo chương trình Công nghệ giáo dục của Hồ Ngọc Đại nên giáo viên, học sinh và cả phụ huynh học sinh đã quen với cách đánh vần, phân tích tiếng của chương trình Công nghệ giáo dục. Ví dụ: tiếng “qua” đánh vần là “cờ-ua-qua”, phân tích là: âm đầu cờ, âm đệm u, âm chính a, thì trong sách giáo khoatheo chương trình GDPT mới lại trở lại với cách đánh vần và phân tích tiếng của sách giáo khoa theo chương trình tiểu học 2000, tiếng “qua” được đánh vần là “quờ-a-qua” và phân tích là: trong tiếng quacó âm quờ đứng trước, vần a đứng sau. Hay tiếng “gia”, chương trình Công nghệ giáo dục đánh vần là “dờ-a-da”, phân tích là: âm đầu dờ, âm chính a; thì sách giáo khoa mới đánh vần là “gi-a-gia”, phân tích là: trong tiếng “gia” có âm gi đứng trước, vần a đứng sau…
Để bắt nhịp với sự đổi mới này, các sinh viên của khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Cao đẳng Hải Dương đã có các tiết tập giảng các môn học lớp 1 vận dụng các phương pháp dạy học tích cực nhằm phát triển các phẩm chất và năng lực ở học sinh. Ngoài ra, các em cũng rất nỗ lực trong việc luyện viết theo mẫu chữ tiểu học trên vở cũng như trên bảng. Ý thức rèn luyện nâng cao kĩ năng nghề của sinh viên khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Cao đẳng Hải Dương rất đáng được khích lệ. Hi vọng trong tương lai các em sẽ là những giáo viên tiểu học yêu nghề, vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng được mục tiêu đổi mới của ngành giáo dục.
Một số hình ảnh sinh viên K41 - Khoa GD Tiểu học - Trường CĐ Hải Dương tập giảng trong giờ học Phương pháp dạy học Tiếng Việt
Tác giả: TS. Dương Thị Bích Hạnh